Skip to Content

Hợp đồng tiền hôn nhân

Chắc các bạn đã nhiều lần nghe nói về hợp đồng tiền hôn nhân. Vậy hợp đồng tiền hôn nhân có giá trị pháp lý như thế nào? Và những trường hợp bảo lãnh vợ chồng có ảnh hưởng như thế nào đến giá trị pháp lý của hợp đồng tiền hôn nhân?

Phần VIIIA của bộ luật gia đình 1975 (Part VIIIA of the Family Law Act 1975) cho phép hai bên ký kết hợp đồng tài chánh trước hôn nhân, trong hôn nhân và sau hôn nhân để thỏa thuận việc chia tài sản.

Bài viết này chỉ xem xét về hợp đồng tài chánh trước hôn nhân (hay còn gọi là hợp đồng tiền hôn nhân) (Financial Agreement prior to Marriage or Pre-Nuptial Agreement): 

 

Luật pháp Úc cho phép hai bên thỏa thuận với nhau về các vấn đề tài chánh trước khi tiến tới hôn nhân để đồng ý cách phân chia các tài sản nếu hôn nhân đổ vỡ. Hợp đồng tiền hôn nhân là văn bản hợp pháp để hai bên ký kết về các thỏa thuận đó.

Nhưng quyết định của Tòa Tối Cao Pháp Viện Úc vào ngày 8 tháng 11 năm 2017 trong Thorne v Kennedy [2017] HCA 49 đã không công nhận giá trị của bản hợp đồng tiền hôn nhân ký kết giữa một người chồng Úc 67 tuổi và người vợ 36 tuổi được bảo lãnh từ ngoại quốc. Người chồng là một triệu phú giàu có với tổng tài sản khoảng 20 triệu Úc kim. Người chồng từng kết hôn và có 3 người con riêng.  Còn người vợ không có tài sản gì và chỉ biết chút ít tiếng Anh. Họ kết hôn sau khoảng 7 tháng quen biết nhau từ mạng Internet. Vài ngày trước hôn lễ, người chồng yêu cầu vợ mình ký hợp đồng tiền hôn nhân. Hợp đồng chỉ cho người vợ nhận 50,000 Úc kim nếu hôn nhân đổ vỡ và phần còn lại của tài sản của người chồng để cho các con riêng của mình. Khoảng hơn ba năm sau, hai vợ chồng ly hôn. Người vợ nộp đơn xin tòa hủy hợp đồng đã ký và yêu cầu được nhận khoảng 1 triệu 200 ngàn Úc kim tài sản cùng cấp dưỡng từ người chồng. Tòa Liên Bang (Federal Circuit Court) cho người vợ thắng nhưng sau đó tòa Phúc Thẩm Liên Bang về Gia Đình (Full Court of the Family Court of Australia) cho người chồng thắng. Sau đó người vợ khiếu kiện lên Tối Cao Pháp Viện Úc (High Court of Australia). Quyết định cuối cùng của Tối Cao Pháp Viện Úc là không công nhận giá trị pháp lý của hợp đồng tiền hôn nhân ký giữa hai vợ chồng vì có sự ảnh hưởng không chính đáng (undue influence) và hành vi lợi dụng thế yếu (unconscionable conduct) từ người chồng.

 

 

Lý do mấu chốt từ phán quyết của tòa là sự mất khả năng thương lượng tương đối giữa hai bên (inequality of bargaining power) khi ký kết hợp đồng tiền hôn nhân. Người vợ đã thua thiệt về hoàn cảnh tài chánh, cần sự bảo lãnh của người chồng để xin visa, phụ thuộc gần như hoàn toàn vào người chồng khi rời bỏ quê hương và phải chịu đựng các áp lực về đám cưới sắp diễn ra khi ký hợp đồng tiền hôn nhân. Và người chồng đã từng nói với vợ sẽ hủy hôn nếu người vợ không đồng ý ký hợp đồng.

Bảo lãnh vợ chồng từ nước ngoài sẽ khó tránh khỏi sự mất khả năng thương lượng tương đối giữa hai bên. Và nếu hợp đồng tiền hôn nhân được ký kết khi một bên chịu áp lực hoặc bị ảnh hưởng hoặc bị lợi dụng thế yếu (ví dụ như người bảo lãnh đe dọa không bảo lãnh visa, hoặc gây áp lực về tài chánh hoặc tinh thần của người kia) thì hợp đồng tiền hôn nhân có thể bị Tòa coi là vô giá trị.

Nói cách khác, việc lập hợp đồng hôn tiền hôn nhân chứa đựng rất nhiều rủi ro. Bạn nên tư vấn các luật sư am hiểu về luật gia đình để được cố vấn một cách kỹ lưỡng và hợp lý tùy theo hoàn cảnh của bạn để giảm thiểu các rủi ro.

 

 

 

Related post